Thiết kế hợp lý, đúng công năng, thỏa mãn hết các nhu cầu của người sử dụng là cách gia chủ đem vận may về nhà.
Phong thủy là sự bố trí hợp lý, hài hòa, nhằm phục vụ tốt cho đối tượng sống trong công trình.
Các quan niệm phong thủy có thể khác nhau giữa nhiều người và tùy thời điểm nhưng mục đích chung cần mang lại ý nghĩa tích cực cho người vận dụng.
Theo KST Võ Thế Duy (CTA|Creative Architects), công trình trước hết cần được thiết kế hợp lý, đúng công năng, thỏa mãn hết các nhu cầu của người sử dụng.
Chính cách sử dụng đúng đắn, thuận tiện của căn nhà sẽ mang lại sự thoải mái, hài lòng và yên tâm trong tâm thế của gia chủ. Đó cũng cách mang vận may vào nhà.
Tùy gia chủ mà sẽ có nhiều hay ít quy định về bố trí phong thủy. Quy định càng ít thì sự cởi mở, bung tỏa của thiết kế càng dễ dàng và mang lại nhiều lợi ích cho người chủ nhà.
KTS Võ Thế Duy chia sẻ: “May mắn đa số các khách hàng chúng tôi gặp đều không ra quá nhiều quy định về phong thủy và hầu hết các quy định phong thủy đó cũng trùng với yêu cầu của bên thiết kế.”
Wall house ( CTA|Creative Architects) với bố trí thang ở cuối nhà, kết nối hai không gian sinh hoạt chung và thông tầng
Nói về nguyên tắc thiết kế cầu thang thì nguyên tắc về sự hợp lý trong giao thông và an toàn cần đưa lên hàng đầu.
Cầu thang là trục giao thông đứng, cũng là yếu tố quan trọng trong bố trí giao thông của căn nhà.
Việc giao thông thuận tiện, nhanh chóng và từ đó tạo ra được các không gian lý thú trong nhà là yêu cầu của thiết kế giao thông. Các tuyến, hướng, ý đồ giao thông sẽ là khung xương chính cho thiết kế mỗi ngôi nhà.
Ngôi nhà có nhiều không gian thú vị, thông thoáng, có tính kết nối hay không là do sơ đồ bố trí giao thông mà vị trí cầu thang là một yếu tố then chốt.
Các quy định về chiều cao, khoảng hở của lan can, tay vịn hay khoảng cách xa nhất đến cầu thang (25 m) cần được đảm bảo.
Tuy nhiên, tùy tính chất công trình mà các yếu tố này có thể gia giảm để phục vụ yêu cầu thiết kế hay sở thích chủ nhà. Một số công trình đã sử dụng lan can không có chấn song hay loại bỏ tay là ví dụ về sự linh hoạt trong các yêu cầu này.
Tùy nhu cầu của mỗi gia chủ mà thiết kế của mỗi căn nhà sẽ khác nhau, không có một quy định chung nào cho vị trí cầu thang ngoài yêu cầu công năng phù hợp.
Ngoài ra, cũng tùy vào yêu cầu về công năng thì có thể biết được vị trí cầu thang ở vị trí giao thông sao cho việc kết nối các không gian là nhanh nhất. Vì bên cạnh sự thuận tiện là là yêu cầu về an toàn thoát hiểm.
Ví dụ: Đa số nhà ở là nhà phố dạng khối hộp, cầu thang thường bố trí ở giữa để thuận tiện giao thông giữa các tầng. Từ đó trục giao thông thẳng đứng lên và từ trục đó, các phòng chức năng cũng vây xung quanh cầu thang.
Không gian cầu thang có thể kết hợp với giếng trời để tận dụng không gian trống nhằm tạo ra khu thông tầng lớn hơn, giúp thông thoáng, lấy sáng tốt hơn. Việc kết hợp làm sân vườn, trồng cây khu vực dưới giếng trời cũng là cách áp dụng rất phổ biến.
Một số ý tưởng thiết kế cầu thang lại ở ngay mặt đứng, tạo ra sự bố cục lý thú, gợi sự tò mò nhưng bên trong trục giao thông vẫn đảm bảo mạch lạc, hài hòa.
Lại có ý tưởng vị trí cầu thang ở cuối nhà nhưng đây là thế đất theo diện ngang với bố trí các phòng hai bên. Ý tưởng cầu thang vừa là nơi giao thông, vừa là không gian học tập, chơi đùa, hệ kệ, bậc ngồi cũng là một ý tưởng các KTS hay áp dụng.
Vậy nên thiết kế cầu thang theo KTS Võ Thế Duy sẽ không có nguyên tắc nào ngoài sự hợp lý và ý đồ thiết kế để tạo ra một không gian đáng sống cho gia chủ.
Theo Thu Trinh/plo.vn