Dự án Chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 và triển khai thực hiện quy hoạch cù lao Hiệp Hòa được kỳ vọng sẽ “đánh thức” tiềm năng của 2 khu vực “đất vàng”, từ đó từng bước đưa TP.Biên Hòa trở thành một đô thị hiện đại và xinh đẹp.
Dự án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ hiện thực hóa mục tiêu đưa khu vực này trở thành một khu đô thị, thương mại, dịch vụ hiện đại. Ảnh: P.Tùng
* “Đánh thức” 2 vùng “đất vàng”
Cù lao Hiệp Hòa nằm ở vị trí của ngõ của đô thị Biên Hòa, được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Cái với tổng diện tích gần 700ha. Cù lao Hiệp Hòa là mảnh đất gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo trong hành trình mở cõi phương Nam của dân tộc.
Sau hàng chục năm chờ đợi, tháng 7-2021, quy hoạch phân khu A4 - cù lao Hiệp Hòa đã chính thức được phê duyệt. Đây là một dấu mốc rất quan trọng trong việc phát triển cù lao Hiệp Hòa. “Đây sẽ là cơ sở để kêu gọi các dự án đầu tư phát triển cù lao Hiệp Hòa tương xứng với tiềm năng mà mảnh đất này sở hữu” - ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử sẵn có lâu nay, việc phát triển cù lao Hiệp Hòa sẽ gắn liền với việc khai thác các giá trị lịch sử văn hóa hơn 300 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai; kết hợp bảo tồn mảng xanh lớn - “lá phổi xanh” của thành phố, từ đó phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và tạo dựng hình ảnh mới của “cù lao Phố” mang tính biểu tượng của thành phố văn hóa.
Đặc biệt, cù lao Hiệp Hòa được xác định là một phần trong chuỗi các khu vực cảnh quan ven sông Đồng Nai, là khu đô thị có sự kết hợp hài hòa giữa các khu dân cư hiện hữu lâu đời và các khu dân cư xây mới, các khu chức năng dịch vụ và hỗn hợp. Đây cũng là khu vực có vai trò điểm nhấn trong việc xây dựng hình ảnh của đô thị Biên Hòa.
Như vậy, với quy hoạch đã được phê duyệt, tương lai của cù lao Hiệp Hòa sẽ là một khu đô thị hiện đại gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và không gian sinh thái của đô thị Biên Hòa.
Cũng có vị trí nằm ở của ngõ của đô thị Biên Hòa và tọa lạc bên sông Cái, KCN Biên Hòa 1 được đánh giá là một khu “đất vàng” của TP.Biên Hòa. Là KCN đầu tiên của cả nước, nhưng sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, KCN Biên Hòa 1 từ lâu đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với nguồn nước sông Đồng Nai. Chính vì vậy, việc chuyển đổi công năng, biến KCN Biên Hòa 1 trở thành một khu đô thị, thương mại, dịch vụ là yêu cầu cấp thiết trong tiến trình phát triển của đô thị Biên Hòa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, hiện nay “cái áo” của đô thị Biên Hòa đã khá chật hẹp. Do đó, phải phát triển thêm không gian đô thị tại khu vực KCN Biên Hòa 1. “KCN có một dãy chạy dọc sông rất đẹp nên phải đưa vào đầu tư tạo cảnh quan, không gian đô thị để người dân được thụ hưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Chờ sự “chuyển mình” của đô thị Biên Hòa
Sau nhiều năm chờ đợi, hiện nay việc triển khai dự án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ Biên Hòa 1 và thực hiện quy hoạch cù lao Hiệp Hòa đang được đẩy nhanh tiến độ.
Đối với dự án Khu đô thị, thương mại, dịch vụ Biên Hòa 1, theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, các cơ quan chức năng đang tham mưu lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai lập hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Từ đó, Sở KH-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Cù lao Hiệp Hòa là cửa ngõ của đô thị Biên Hòa thông qua cầu An Hảo
Về phương án lựa chọn hình thức đầu tư dự án, UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT phân tích ưu, nhược điểm của 2 phương án gồm: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết hợp đấu giá đất (đối với phần đất công) và đấu giá đất cuốn chiếu theo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi phân tích, Sở KH-ĐT tổng hợp để UBND tỉnh báo cáo Ban TVTU xem xét.
Trong khi đó, theo UBND TP.Biên Hòa, sau khi quy hoạch phân khu A4 - cù lao Hiệp Hòa được phê duyệt, thành phố sẽ công bố quy hoạch, cắm mốc theo quy định để triển khai thực hiện quy hoạch. Đồng thời, hiện nay UBND tỉnh giao các cơ quan chức năng xây dựng phương án đấu giá đất để triển khai các dự án theo quy hoạch đối với cù lao Hiệp Hòa.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ di dời các doanh nghiệp cũng như các hộ dân trong khu vực KCN Biên Hòa 1 để hiện thực hóa mục tiêu biến nơi đây trở thành một khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Từ đó, tạo ra không gian cảnh quan cho đô thị Biên Hòa. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thật xứng đáng để thực hiện quy hoạch cù lao Hiệp Hòa. “Lúc đó, TP.Biên Hòa sẽ có một bộ mặt hiện đại và xinh đẹp để Biên Hòa ngày càng xứng tầm với vị trí đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai, xứng tầm với một đô thị loại I” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.
Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, cù lao Hiệp Hòa và khu vực KCN Biên Hòa 1 đều là những cửa ngõ của đô thị Biên Hòa. Chính vì vậy, đây là những khu vực có vai trò rất quan trọng trong vai trò tạo điểm nhấn không gian cảnh quan của đô thị Biên Hòa. “Nếu như cù lao Hiệp Hòa là cửa ngõ vào TP.Biên Hòa từ hướng cầu An Hảo thì khu vực KCN Biên Hòa 1 lại là cửa ngõ đi vào thành phố từ hướng quốc lộ 1, quốc lộ 51” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương đánh giá.
Cũng theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, cả hai khu vực nói trên đều có vị trí rất đắc địa, giáp sông. Vì vậy, giá trị trong việc kiến tạo không gian cảnh quan cho đô thị Biên Hòa lại càng lớn, nếu được quy hoạch và phát triển hợp lý. Trong tương lai, đây cũng chính là những khu vực sẽ tạo ra điểm nhấn đặc biệt cho đô thị Biên Hòa. “Cù lao Hiệp Hòa không chỉ có vị trí đẹp mà những giá trị văn hóa, lịch sử trong nó cũng đã là một trong những điểm nhấn lớn nhằm tạo ra nét riêng của đô thị Biên Hòa” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương nêu quan điểm.
Đối với khu vực KCN Biên Hòa 1, kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương cho rằng, cần xem xét lại quy hoạch về chiều cao các công trình kiến trúc để tránh sự “nuối tiếc” về sau. “Hiện nay, quy hoạch chung TP.Biên Hòa giới hạn độ cao các công trình kiến trúc là 30 tầng. Tuy nhiên, với một khu vực ven sông đẹp như ở khu vực KCN Biên Hòa 1 cần xem xét điều chỉnh. Từ đó mới có thể có được những công trình kiến trúc tạo được điểm nhấn cho đô thị và tránh sự điều chỉnh về sau sẽ làm lỡ đi cơ hội phát triển” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương cho hay.
Theo Phạm Tùng (baodongnai.com.vn)