Ngày 22.6, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đưa ra những lưu ý đến nhận diện hợp đồng mẫu khi mua bán căn hộ chung cư.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư, hợp đồng theo mẫu chính là các hợp đồng mua bán do bên bán soạn thảo để bán căn hộ chung cư cho khách hàng, được thể hiện với nhiều tên gọi khác nhau như: hợp đồng mua bán căn hộ/căn hộ chung cư; hợp đồng mua bán nhà ở/căn hộ hình thành trong tương lai; hợp đồng mua bán căn hộ/nhà ở có sẵn...
Về bố cục, các thông tin riêng biệt về từng giao dịch như thông tin bên mua, thông tin căn hộ, giá bán được quy định trực tiếp tại các điều khoản hợp đồng hoặc được tách thành một phụ lục riêng. Đối với bản nội quy quản lý vận hành nhà chung cư, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nội quy này được đính kèm và là một phần không tách rời của hợp đồng mua bán căn hộ.
Do vậy, cơ quan này lưu ý đối với người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng trong lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư. Trước hết, bên bán cần thực hiện và hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư mẫu theo quy định với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công thương (tùy theo phạm vi áp dụng) trước khi ký kết với khách hàng. Bên cạnh đó, hình thức và nội dung của hợp đồng cần tuân thủ các quy định cụ thể. Người tiêu dùng cần kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký của các chủ đầu tư về hợp đồng mẫu bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc tra cứu trên trang thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công thương nơi đặt dự án.
Đồng thời, để tránh rủi ro phát sinh từ việc ký các hợp đồng mua bán soạn sẵn, người tiêu dùng trước khi giao dịch với bên bán cần kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện bán căn hộ của chủ đầu tư. Ví dụ: đối với căn hộ hình thành trong tương lai, cần có văn bản của Sở Xây dựng về việc bán căn hộ hình thành trong tương lai và hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng đủ điều kiện. Đồng thời, nên so sánh mẫu hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền thông qua với mẫu hợp đồng do công ty cung cấp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nghiên cứu kỹ các nội dung được công ty chú thích và cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo tại các phần để trống trong hợp đồng, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao kết nếu nội dung trong hợp đồng dự định ký kết bất lợi hơn những nội dung được khuyến cáo.
Theo Mai Phương (thanhnien.vn)